Mục lục
Tư duy nhanh và chậm là một cuốn sách của tác giả Daniel Kahneman, đã đạt giải Nobel Kinh tế 2002 mở đầu bằng một câu hỏi hoài nghi: Có phải mọi trực giác được sinh ra bởi đầu óc của con người đều siêu việt và đáng tin? hãy cùng bàn luận về chủ đề này.
Bạn có tin rằng chỉ bằng linh cảm trực giác mà nhiều người trong tích tắc có thể tránh được một tai nạn xảy ra, hay thoát được một cái bẫy lừa đảo tinh vi. Một chuyên gia phòng cháy chữa cháy trong tích tắc đã cứu được cả đội cứu hộ thoát chết trước khi toàn bộ sàn nhà họ đang đứng nứt sụp xuống và lửa bùng lên dữ dội, chỉ bằng linh cảm. Hay một cao thủ cờ vua, chỉ cần liếc qua một bàn cờ đi ngang ven đường là có thể tuyên bố quân đen hay quân trắng sẽ thắng.
1. Giới thiệu hai hệ thống não bộ
Trong một thời gian dài, các học giả đã gieo rắc vào đầu chúng ta một quan điểm: trí óc con người rất siêu việt và nhờ đó chúng ta quyết định mọi việc có tính toán một cách cẩn thận. Tuy nhiên, bằng hàng nghìn thí nghiệm được tiến hành cùng một người cộng sự nữa trong mấy chục năm trời, Daniel Kahneman đã chỉ ra rằng quan điểm ấy hoàn toàn sai lầm.

Ông cho rằng hành vi của chúng ta là hệ quả kết hợp của 2 trung tâm điều khiển của bộ não: một bên tự động và một bên cân nhắc kỹ càng. Bên trong bộ não diễn ra những cuộc đối thoại, giống như những phân cảnh đối thoại giữa hai nhân vật chính chúng ta vẫn thấy trong phim với đầy đủ mâu thuẫn và cao trào. Hai nhân vật chính này gồm:
- Hệ thống 1 – bốc đồng, cảm tính và vô thức
- Hệ thống 2 – chín chắn, cân nhắc và tính toán
2. Cụ thể tư duy nhanh và chậm
Cụ thể, phần não của hệ thống 1 là tư duy nhanh, hoạt động một cách cảm tính và đột ngột, thường không chịu sự kiểm soát của ý thức. Khi bạn đột nhiên nghe một âm thanh lớn và bất ngờ nổ ra, bạn ngay lập tức hướng về phía âm thanh đúng không, đó chính là hệ thống 1. Khả năng phán đoán nhanh cũng như phản ứng tức thời chính là những lợi thế sinh tồn – một di sản tiến hóa nằm trong hệ thống 1 mà chúng ta thừa hưởng được từ khi sinh ra.
Còn về phần não của hệ thống 2 là hệ thống tư duy chậm, nghĩa là chúng ta cân nhắc khi xử lý hành động có ý thức, tự kiểm soát, chủ ý tập trung. Ví dụ như khi ta chú tâm vào tìm một cô gái trong đám đông, trí não ta sẽ hết sức tập trung vào nhiệm vụ, hồi tưởng lại các đặc điểm cá nhân để xác định được cô gái. Trí não có khả năng bỏ qua cả những chi tiết gây phân tán tư tưởng, ví dụ như những đặc điểm của người khác trong đám đông.
Xem thêm:
3. Ví dụ tư duy nhanh và chậm
Theo cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, một ví dụ kinh điển đã được đưa ra là quả bóng và cây gậy. Bạn mất 1.1 đô để mua một cây gậy và một quả bóng. Cây gậy đắt hơn quả bóng 1 đô. Hỏi quả bóng giá bao nhiêu tiền?
Hầu hết chúng ta sẽ cho đáp án 0.1 đô ngay lập tức, đây là hệ quả của hệ thống 1: cảm tính và tự động. Nhưng đó là một kết quả sai, hãy thử làm lại xem nào.
Bạn có tự tìm ra lỗi của mình không? Đáp án đúng phải là 0.05 đô.
Trong lần trả lời đầu tiên, hệ thống 1 đóng vai trò chỉ huy và ngay lập tức dựa vào trực giác để trả lời, tuy nhiên nó đã hấp tấp đưa ra câu trả lời sai.

Thông thường khi xử lý một tình huống phức tạp thì hệ thống 1 kêu gọi trợ giúp của hệ thống 2. Tuy nhiên ở bài toán trên hệ thống 1 bị bài toán đánh lừa, nó nghĩ rằng bài toán khá đơn giản, do đó nó tưởng rằng sẽ tự giải quyết được. Đó là cách tư duy nhanh hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.
4. Kết
Cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” đã bàn sâu về những giới hạn của đầu óc con người liên quan đến hệ thống 1 – tư duy nhanh và hệ thống 2 – tư duy chậm. Nghiên cứu này giúp mỗi người tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình, từ đó có thể nâng cao nhận thức của bản thân hơn.