Mục lục
Trong lịch sử Việt Nam có 3 người công chúa có tầm ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi của các triều đại phong kiến đương thời. Họ đều là những vị công chúa tài sắc vẹn toàn, dám hy sinh thân mình vì lợi ích chung của dân tộc.
1. Công Chúa Huyền Trân – Hoàng Hậu Chiêm Thành
Huyền Trân công chúa là con gái vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Năm Quý Tỵ (1293) vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho vua Trần Anh Tông, rồi về làm Thái Thượng Hoàng.
Vua Trần Anh Tông là một vị vua có tài và thông minh, được nhiều bậc hiền tài giúp vua trị nước như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn.
Lúc bấy giờ vua hiền, tôi trung, phép nước nghiêm minh, việc học hành mở mang. Đây là một đời nhà Trần thịnh vượng..
Năm Tân Sửu (1301), Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sang du ngoạn nước Chiêm Thành, được vua Chiêm tiếp đãi rất hậu. Trước khi trở về Đại Việt, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để kết tình thông gia giữa 2 nước. Lúc bấy giờ, Chế Mân đã 83 tuổi.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân xin dâng hai châu là: châu Ô, và châu Lý làm sính lễ. Vua Anh Tông bèn quyết định gả em gái của mình là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân công chúa được sắc phong làm Hoàng hậu.
Sang năm sau (1307), vua Trần Anh Tông nhận được 2 châu Ô và châu Lý, đổi tên lại là thành Thuận Châu, Hóa Châu rồi sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị mới.
Huyền Trân công chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân qua đời. Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đoạn chép rằng: lúc bây giờ, theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết thì các hậu phải hỏa thiêu chết theo. Được tin ấy, vua Trần Anh Tông không muốn Huyền Trân chết oan khi còn quá trẻ nên đã sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa.
Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành trở về Đại Việt. Bà xuất gia và mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng vô cùng tiếc thương, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ ở cạnh chùa Nộm Sơn.
Ngày bà mất hằng năm trở thành ngày lễ hội Huyền Trân trên núi Ngũ Phong, Huế. Huyền Trân Chính là vị công chúa đầu tiên chấp nhận lấy người ngoại quốc để mang lại lợi ích cho dân tộc.
Như vậy trong đời nhà Trần, nhờ gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành mà chúng ta đã mở rộng lãnh thổ thêm được hai châu: Thuận Hóa và Hóa Châu. Về sau cũng có nàng công chúa bước tiếp theo con đường của công chúa Huyền Trân, và góp công trong việc mở mang bờ cõi nước Đại Việt về phía nam đó là hoàng hậu Somdach (hoàng hậu Cao Miên), một nàng công chúa xinh đẹp của triều đình nhà Nguyễn.
Có nhiều người đã không đồng ý việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành nên trong dân gian đã lưu truyền những câu hát ví von:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục, lại vần than rơm.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan tương cà.”
Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng bàn: “Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô thường quấy phá biên giới mới lấy con gái của mình dâng công chúa gả cho thiền vu, kết hôn với người không phải cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách. Song chỉ vì ý muốn nghỉ binh, yên dân thì còn có thể nói được… Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho vua nước Chiêm Thành là ý nghĩa gì? Nói rằng Nhân Tông khi đi chơi mà trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không làm việc đổi mệnh có được không? Vua giữ ngôi Trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả em gái cho người xa, không phải giống nòi cho đúng lời hẹn trước…”
2. Công chúa Ngọc Vạn – Hoàng Hậu Cao Miên
Trong lịch sử Việt Nam không thấy nói đến công chúa Ngọc Vạn (có sổ sách ghi là công nữ Ngọc Vạn), nên chúng ta phải tìm kiếm tài liệu liên quan đến lịch sử Cao Miên.
Công chúa Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa thứ 2 của dòng họ Nguyễn.

Công chúa Ngọc Vạn
Thời bấy giờ quân Xiêm thường hay xâm lấn Cao Miên nên vua Chey Chetta II xin cưới một người con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên về làm hoàng hậu để được chúa Nguyễn ủng hộ.
Năm 1620, chúa Sãi thuận gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II và bà trở thành hoàng hậu Cao Miên.
Vừa đẹp người lại đẹp nết nên bà được vua Cao Miên cưng quý vô cùng. Bà đã góp nhiều ý kiến hữu ích vào công việc trị nước của vua Chey Chetta II. Nhờ sự ảnh hưởng của hoàng hậu mà vua Cao Miên không phản đối, khi bà xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những vị trí quan trọng trong triều đình. Đồng thời cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô. Hồi đó chúa Nguyễn thường giúp Miên chống lại những cuộc xâm lược của quân Xiêm.
Năm 1623, chúa Nguyễn cử một sứ bộ, đem theo nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và thể hiện sự ủng hộ của triều đình Huế. Chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chetta II cho lập 1 đồn thuế ở Prei Kor và lập một dinh điền ở Mô Xoài. Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, cả 2 việc đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Chúa Nguyễn khuyến khích người dân Việt di cư đến Cao Miên để làm ăn. Vì vậy trong khoản một thời gian ngắn người Việt đến định cư tại Cao Miên rất đông.
Từ năm 1628 (là năm vua Chey Chetta II mất) trở đi, người Việt Nam đến lập nghiệp ở các vùng như Gia Định, Bà Rịa và Biên Hòa ngày càng đông đảo. Người Miên vì không thích sống chung với những người khác văn hóa và mạnh hơn. Nên hễ người Việt đến sống chỗ nào gần họ thì họ dần kiếm cách lánh đi chỗ khác.
Nhận xét về công chúa Ngọc Vạn, tiến sĩ Trần Thuận viết: “Cuộc hôn nhân này mặc dù không được nhà Nguyễn ghi chép vì lý do nào đó. Nhưng xét đến cùng, đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.”
3. Công chúa Ngọc Khoa – Hoàng Hậu Chiêm Thành
Công chúa Ngọc Khoa tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, không rõ năm sinh năm mất, là con thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là em gái của công chúa Ngọc Vạn. Cũng như chị mình, bà đồng ý lấy chồng xứ người vì lợi ích dân tộc, dòng họ và không được ghi chép trong bất cứ một tài liệu nào.
Từ cuối thế kỷ XVI, người Chiêm Thành thường giao dịch, buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Ma Cao, một thuộc địa của Bồ Đào Nha trên đất Trung Quốc. Thương thuyền Bồ Đào Nha hay ghé buôn bán, trao đổi với người Chiêm ở hải cảng Cam Ranh và Phan Rang. Sự liên hệ này khiến chúa Sãi lo ngại người Chiêm sẽ liên kết với người Bồ Đào Nha để chống lại mình.
Công chúa Ngọc Khoa nhan sắc tuyệt trần, thông minh tài giỏi. Trong một lần theo đoàn thương buôn vào Chiêm Thành mua bán hàng hóa, Po Rome vừa nhìn thấy Ngọc Khoa đã mê mẩn, bần thần. Từ đó ngày đêm chỉ mơ tưởng được gặp lại và cưới nàng làm vợ.
Biết được vua Chiêm đang điêu đứng, si mê nhan sắc của con gái mình, nhân cơ hội này, năm 1631, chúa Sãi gả công chúa cho vua Chiêm, nhằm mục đích hòa hoãn với Champa.
Nhờ có cuộc hôn nhân chính trị này mà mối giao hảo giữa 2 nước rất tốt đẹp, chúa Nguyễn có thể tập trung dồn lực hòng đối phó chúa Trịnh. Đồng thời tạo bàn đạp để các chúa Nguyễn sau này mở rộng lãnh thổ về phía Nam, trong đó có cả Chân Lạp.
Ngọc Khoa là người vợ thứ 3 của vua Chiêm, với danh xưng là Bia Ut Yuôn, sau hoàng hậu chánh thất Bia Than Cih và thứ hậu Bia Than Can (người gốc Ê đê). Công chúa Ngọc Khoa là người vợ được chú ý nhiều nhất khi nhân dân Champa cho rằng, chính bà là người khiến vua Po Rome mê muội, dẫn đến Champa bị Đại Việt thôn tính và bình định sau này.
Khi về dinh điện Champa, công chúa Ngọc Khoa rất được Po Rome sủng ái. Sự duyên dáng và thông minh của bà đã khiến trong thời gian ngắn, cả hoàng hậu chánh thất và thứ hậu đều bị đẩy vào hậu cung.
Một thời gian sau, công chúa Ngọc Khoa không biết vì lý do gì mà sinh bệnh, không thuốc nào chữa khỏi. Theo nhiều nguồn tài liệu thì Ngọc Khoa lúc bấy giờ chỉ giả bệnh để giúp chúa Sãi thực hiện mục đích.
Ngọc Khoa nói với Po Rome rằng, sở dĩ nàng bệnh nặng không khỏi là vì nàng thần Rek quấy phá. Muốn trị dứt bệnh thì chỉ còn cách chặt cây Rek.
Cây Rek là cây thân gỗ, thường được dân Champa dùng để đóng thuyền chiến. Cây Rek đối với vương quốc Champa mà nói là nơi thần ngự trị và hộ mệnh cho toàn vương quốc, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nhân dân Champa rất coi trọng và hết lòng bảo vệ cây Rek.
Vì quá yêu Bia Ut Yuôn, đích thân vua Po Rome đã rút gươm, chặt đổ cây Rek trong cung điện của mình. Cây tuôn máu suốt bảy ngày bảy đêm và chết. Bia Ut Yuôn cũng hết bệnh.
Năm 1651, chúa Sãi chủ động cho quân tiến đánh Chiêm Thành. Vua Po Rome cho xẻ gỗ cây Rek đóng thuyền chiến, phản công Đại Việt.
Trong trận hỗn chiến, vua Po Rome trúng kế và tự sát trên đường bị giải về Huế. Đại Việt thắng trận và chiếm nhiều vùng đất màu mỡ của Champa.
Nhân dân Champa không tin Đại Việt có thể thắng được tài thao lược của Po Rome mà chỉ do Po Rome bị thần Rek trút giận, không còn che chở vận mệnh cho Champa nữa. Họ tức giận, tìm giết công chúa Ngọc Khoa. Nhưng khi hay tin Po Rome tử trận, công chúa Ngọc Khoa đã tự tử theo.
Khoảng 1 thế kỷ sau đó, chúa Nguyễn đã mở rộng được bờ cõi về phía Nam, định hình lãnh thổ như địa hình Việt Nam hiện nay.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, việc giữ gìn biên cương và mở mang bờ cõi là ước vọng lớn lao của hầu hết các đấng quân vương. Những cuộc hôn nhân chính trị đóng vai trò đáng kể trong công cuộc đó. Đặc biệt là công cuộc Nam tiến từ thời Trần cho đến thời Nguyễn.
Việt Nam có những người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… và cũng có những người phụ nữ hy sinh lặng lẽ, âm thầm để cha anh làm nên nghiệp lớn như công chúa Huyền Trân, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.