Điện Biên Phủ Cùng Những Chiếc Xe Đạp Huyền Thoại Lẫy Lừng

0
1211

Mục lục

Điện Biên Phủ là một trận chiến hùng hồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mạnh mẽ và lừng lẫy trên thế giới. Tướng Navarre đã thua trận tại Điện Biên Phủ, tại “pháo đài bất khả xâm phạm” mà người Pháp luôn ngạo nghễ và vì những “cỗ xe” chính họ đem sang.

1. Điện Biên Phủ – trận chiến thú vị

Điện Biên Phủ là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với rất nhiều sự thật thú vị:

  • Chính phủ Hoa Kỳ – vốn là đồng minh Pháp, lại cấp hơn 50% viện trợ cho Việt Nam
  • Trong thời gian bị quân ta bắt giam, Đại tá Christian de Castries được Pháp thăng quân hàm Chuẩn tướng trước thời hạn. Quà mừng đó cũng được thả xuống trận địa quân Việt
  • Đây là trận đánh lớn nhất Chiến tranh Đông Dương lần I với 53.800 bộ đội chủ lực và lên đến 260.000 dân công vận tải
  • Lần đầu tiên ta bảo đảm hậu cần với khối lượng vật chất (20.125 tấn) cho một lực lượng lớn như vậy. Đó là nhờ một phương tiện có sức ảnh hưởng kỳ diệu nhất, mà mãi cho đến ngày hôm nay vẫn không khỏi khiến nhiều người trên thế giới bàng hoàng

Xin giới thiệu: Chiếc xe đạp Điện Biên Phủ

2. Chiếc xe đạp trong huyền thoại

“Than ôi máy bay của  ta  lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh…” – Nữ ký giả Pháp Yvon Panhinet viết trong cuốn “Mắt đã thấy ở Việt Nam”.

2.1. Tình hình Điện Biên Phủ

Ban đầu, chiến dịch Điện Biên Phủ được quyết định nổ súng vào 17h ngày 25/1/1954. Bởi lẽ quân Pháp mới đặt chân tới Điện Biên Phủ nên chưa kịp điều quân triển khai các tuyến phòng thủ, ngược lại lực lượng ta bấy giờ khá đông, lại thêm tinh thần quyết thắng mạnh mẽ. Quả thật nếu không đánh sớm lúc này thì còn để bao giờ nữa. Sau này, địch củng cố quân thì hẳn là không còn điều kiện công kích.

Tuy nhiên, trước ngày nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy sự củng cố của địch không ngừng tăng mạnh, quân ta đang gặp khó khăn khi kéo pháo lên đường dốc, thật khó mà kịp thời gian dự kiến. Chính vì thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Và thay đổi này đã đặt ra bài toán nan giải mới về hậu cần.

Theo Bộ chỉ huy Pháp, Điện Biên Phủ cách Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa từ 300 – 500km theo đường chim bay. Đến được đây chỉ có quốc lộ số 6, mà việc vận chuyển phải yêu cầu bí mật, nhanh chóng, tải được lượng lớn vật chất nên chuyện Việt Minh có thể cấp vũ khí, đạn dược, lương thực cho hàng vạn người chiến đấu trong thời gian dài là gần như không thể thực hiện được.

2.2. Lầm tưởng

Họ đã lầm, họ không thể tưởng tượng nổi “đôi bồ dân công của Việt Minh” ấy lại chính là “binh chủng xe đạp thồ” hơn 21.000 chiếc, chính “đôi bồ dân công” lại sáng tạo và vận dụng hết tất cả những thứ bình dị xung quanh một cách quá đỗi kinh ngạc. Những chiếc xe đạp Điện Biên Phủ đã hoạt động hiệu quả trên suốt chiều dài gần 1.500km, thậm chí có chiếc xe “kỷ lục” đã vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi mà tôi sẽ nói đến ở dưới. 

Ban đầu, dân công chỉ sử dụng những chiếc xe đạp “Lanh côn” do Pháp sản xuất để chở lương thực. Tuy nhiên, mỗi xe chỉ tải được từ 80 – 100kg lại di chuyển rất vất vả. Trong quá trình đó, ông Ma Văn Thắng đã có sáng kiến cải tiến chiếc xe đạp thồ để nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg. Ví như chiếc xe ông sử dụng đã được Ban Chi viện chiến dịch xác nhận lập kỷ lục khi tải đến 325kg. Hiện chiếc xe này đang được đặt tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

2.3. Công năng

Xe đạp thồ Điện Biên Phủ không chỉ phục vụ hậu cần như chở lương thực, thực phẩm, đạn dược mà còn sử dụng để cáng thương binh (xe trước – xe sau, ở giữa mắc chiếc võng) với khả năng chở: 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Có chiếc xe đạp còn thêm đèn phát điện để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm…

Quân Pháp đã ra sức ngăn chặn sự tiếp tế của Việt Minh bằng không quân. Chúng đã phá nát các đầu mối giao thông quan trọng trên đường đèo tại Pha Đin, Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi,… làm ta phải vẽ lại đường đi tới 19 lần chỉ trong 2 tháng. Có người hi sinh, hiển nhiên, nhưng các đoàn ngựa sắt về bản chất là rất hiệu quả trong việc thoát khỏi những tay săn mồi trên không này. Khi máy bay trinh sát phát hiện được mục tiêu và chỉ đường cho máy bay ném bom đến tiêu diệt, đoàn xe ta thoắt ẩn thoắt hiện, nháy mắt đã lẩn nhanh vào lùm cây làm hai kẻ săn mồi chỉ còn biết ngơ ngác nhìn xuống khoảng “cây” vô tận. Khi chúng đi mất, đoàn ngựa sắt của ta lại tập hợp, tiếp tục miệt mài làm nhiệm vụ như chưa từng có cuộc ném bom.

3. Kết

Tại trận Điện Biên Phủ, không quân Pháp đã không thể thắng được dân công Việt. Máy bay Pháp không thể tiêu diệt được xe đạp Việt. Mà mỉa mai thay, những chiếc xe đạp này lại không phải của Việt Nam. Chính người Pháp trong gần 100 năm đô hộ đã đem những chiếc xe đạp của họ đến đây (như hãng Peugeot). Cũng hợp lý thôi, Việt Nam lúc đó rất nghèo và về căn bản là không đủ khả năng để sản xuất hơn 20.000 chiếc xe đạp thồ như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây