Mục lục
Content là gì? Câu hỏi mà bất cứ ai khi vừa “chân ướt chân ráo” vào ngành cũng luôn phải tìm hiểu sâu về nó. Hiểu đơn giản, một status bạn đăng trên Facebook, hay cuốn nhật ký trong góc bàn cũng là content vì nó có nội dung. Nhưng content có thật chỉ đơn giản là nội dung?

1. Content là gì?
“Dân thường” hay bảo nhau: “Content tiếng anh dịch ra là nội dung”, nhưng chắc chỉ bọn thích tìm hiểu sâu về nó, mới hiểu được cái định nghĩa Content là gì – Là một loạt nội dung được hiển thị qua bài viết, sách báo, hình ảnh, video,… tất tần tật mà chúng ta có thể nhìn thấy nó ở bất cứ nơi đâu.
Nhưng nó không chỉ là những nội dung đơn thuần như mọi người thường lầm tưởng, content là những nội dung có giá trị và hữu ích đối với độc giả mà trong đó có chứa đựng những thông điệp ý nghĩa. Content càng hiện đại sẽ càng được chăm chút về mặt chất lượng hình ảnh, câu chữ, content càng hay thì sẽ càng thu hút được sự tương tác của người đọc nó.
Content xuất hiện ở khắp nơi, đã và đang len lỏi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Từ biển quảng cáo chớp nháy đủ sắc màu ở đầu ngõ, hay bài hát “Điện Máy Xanh” chiếu trên tivi, cho đến cuốn tạp chí vừa mua lúc sáng,.. chúng đều là content.
2. Content Marketing là gì?
Content Marketing được hiểu như một hoạt động tiếp thị nội dung. Không chỉ là quảng cáo bán hàng, content marketing của doanh nghiệp đem đến cho khách hàng những thông tin hữu ích, ý nghĩa mà qua đó họ có thể tìm được hướng giải quyết cho những vấn đề mà họ đang gặp phải. Ví dụ như một doanh nghiệp kinh doanh về các sản phẩm, dịch vụ làm đẹp.
Bên cạnh những bài quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của họ, thì còn có những bài viết như: Cách chăm sóc da luôn khỏe mạnh; Cách “đuổi” mụn đi nhanh nhất,…. Đấy là content marketing, nó giúp người đọc không bị cảm giác mình cứ phải mua sản phẩm, mà là cảm giác luôn được thấu hiểu và giúp giải quyết được nỗi lo của họ.

Một định nghĩa khác, theo Content Marketing Institute – Nơi đào tạo và tư vấn cho người làm truyền thông về nghệ thuật và cách thức hoạt đổng của content marketing: “Content marketing là một phương pháp marketing chiến lược, tập trung vào việc xây dựng nội dung hữu ích, nhất quán và phù hợp, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng và đưa họ tới hoạt động nào đó giúp phát sinh lợi nhuận.”
Content marketing được sử dụng rất nhiều trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Không những thế, content marketing sẽ còn được phát triển hơn ở tương lai, luôn phải đón đầu và cập nhật xu thế nếu không sẽ bị tụt lại phía sau.
3. Mục đích và vai trò của Content
Phía trên là những định nghĩa về content và content marketing. Vậy mục đích của content là gì? Chúng có vai trò như thế nào trong đời sống và truyền thông của doanh nghiệp?
Hằng ngày chúng ta phải “gặp gỡ” rất nhiều dạng content, đôi khi còn bị choáng ngợp bởi sự xuất hiện khác nhau đến nỗi “chả hiểu bọn này viết gì” hay “chúng nó đang quảng cáo gì ấy nhở?”. Rất ít ai biết được mục đích của chúng cho đến khi nhận ra được thông điệp.
Ai cũng có thể viết được một bài content, một câu chữ content chỉ cần gõ vài dòng bởi mục đích của content là tiếp cận và truyền tải thông điệp đến công chúng. Nhưng một content chất lượng sẽ có vai trò và lợi ích như thế nào?
Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn bị rơi vào hoàn cảnh: Mày bảo gì mãi mấy lần mà tao không rõ! Lâu lâu lại có những mẫu quảng cáo với content khiến người xem muốn “bội thực tâm hồn” vì cứ mãi chiếu đi chiếu lại mà lại chẳng đem lại lợi ích gì như quảng cáo bột giặt ABA, đa số người xem khi nhìn thấy quảng cáo đó xuất hiện lại muốn “mũi né” đi không muốn xem vì nội dung theo đánh giá là “quá nhàm và chẳng hiểu gì”. Vì thế một content tốt và chất là có thể để công chúng tiếp đón nó thoải mái và vui vẻ. Như vậy, các content marketer có thể truyền tải được “tâm tư”, “nguyện vọng” của sản phẩm/dịch vụ một cách trơn tru hơn.
Bạn đã có content, bạn đã có ý tưởng, bạn có luôn ý nghĩa muốn truyền tải. Nhưng việc tiếp cận đến công chúng lại không thực sự đơn giản. Tâm lý khách hàng sẽ luôn để những gì quan trọng và dễ nhớ, đặc biệt nhất vào tâm trí của họ.
Cụ thể là nếu bạn muốn tiếp cận được tệp khách hàng đó, content mà bạn sản xuất ra, tiêu chí yêu cầu là phải hay, mà hay như thế nào? Hãy tưởng tượng bạn đang lướt newfeed trên Facebook hay Instagram, bạn có dừng lại và đọc hết những gì trên bảng tin không? Tất nhiên là không thể nào. Bạn chỉ dừng lại ở những thứ mà nó gây ấn tượng với bạn, đọc vài giây nó thu hút tiếp được tâm trí của bạn, và bạn ấn “thả tim”, thậm chí lưu vào kho.
Ở đâu đó có câu: “Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Bạn chỉ có được từ 3 – 5 giây để kéo đối phương về phía bạn”. Bởi lẽ nếu content của bạn gây được ấn tượng ban đầu tốt và nội dung dễ dàng tiếp cận công chúng thì phần trăm tỉ lệ “về phe” bạn sẽ cao. Việc sau đó bạn chỉ cần “săn sóc” để “đồng minh” của bạn không thất vọng vì thời gian họ đã dành ra để tiếp cận content đó của bạn.
Việc hình thành và sở hữu cộng đồng lớn khách hàng trung thành để tối đa hóa được lợi nhuận cũng như tăng được sự nhận diện thương hiệu từ khách hàng mới luôn là mục tiêu của đại đa phần các doanh nghiệp. Content Marketing là giải pháp giúp doanh nghiệp xây dựng được cộng đồng của riêng mình. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có một ngân sách lớn để đầu tư vào content marketing xây dựng đội “fan” hùng mạnh và trung thành như các thương hiệu lớn Coca Cola, Nike hay Adidas…
Những doanh nghiệp nhỏ sẽ bắt đầu từ những cái nhỏ, có được lượng khách hàng nhỏ, luôn chăm sóc họ và từ đó, content marketing sẽ thu hút được tập khách hàng tiềm năng, sau lại trở thành khách hàng trung thành với thương hiệu của doanh nghiệp đó.
Bạn viết content hay, người kia cũng viết content hay, nhưng sự khác biệt giữa bạn và họ và gì? Content hay là content làm cho cuộc sống này thêm được nhiều sắc màu. Ai cũng có thể “tuôn ra” những câu chữ “chất lừ”, nhưng nó có được tiếp nhận dễ dàng hay không? Nó có được giá trị độc đáo đối với người đọc hay không? Đó lại chính là sự cố gắng, quan sát và luyện tập của bạn.
4. Cảm xúc trong content ảnh hưởng đến quyết định mua hàng
Đỉnh cao của viết content chính là chạm đến trái tim của người đọc. Như có một câu nói rằng: “Content is the King, but the King of content is Emotion”. Bản chất của việc viết content là tập trung vào cảm xúc. Vì thế cảm xúc trong content có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định mua hàng của khách hàng, nghĩa là khi bạn viết một content hay là bạn đã “chạm được đến trái tim” của họ. Vậy các loại cảm xúc đó là gì?
4.1. Sợ hãi
Sợ hãi là một bản năng của con người, chúng là cảm xúc rất mãnh liệt. Bản năng này khiến con người phải hành động ngay lập tức. Khi đang trong trạng thái sợ hãi, con người thường tìm mọi cách để vượt qua cơn sợ và tìm kiếm cảm giác an toàn. An toàn là nhu cầu cơ bản bậc 2 của con người. Maslow phân tích kỹ lưỡng điều này trong tháp nhu cầu của ông:
- An toàn về sức khỏe.
- An toàn về tài chính.
- An toàn tính mạng, không bị thương tích.
Ví dụ:
Dịch bệnh Covid thay đổi thói quen khiến mọi người hạn chế ra ngoài. Vì vậy, mua hàng Online đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ. Nếu bạn không có cho mình một kênh bán hàng online như website hay Facebook,.. để tiếp cận với khách hàng thì doanh nghiệp chết là cái chắc.
4.2. Tự hào, kiêu hãnh
Chúng ta luôn có những ấn tượng và cảm xúc ban đầu mạnh mẽ khi nhìn vào một cá nhân. Có thể là khen, chê, ngưỡng mộ, hay ghen tỵ,… Trái ngược lại, luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ và nể phục mình. Bởi vậy, bạn cần tạo ra content có thể làm lay động trái tim khách hàng và phải chạm đúng điểm “khao khát” được tôn lên của họ, làm cho họ cảm thấy họ sẽ được người khác tôn trọng nếu như sở hữu sản phẩm đó, thể hiện được cá tính đẳng cấp.
Đặc biệt, những khách hàng mua hàng vì cảm xúc thường có hành động rất dứt khoát và mạnh mẽ. Yếu tố marketing đánh vào sự kiêu hãnh thường xuyên được các nhãn hàng cao cấp sử dụng.
Ví dụ: Đã là dân Fashionista thì phải có cho mình ít nhất một chiếc túi của Louis Vuitton – Thương hiệu đẳng cấp bậc nhất; Nhà mặt phố, bố làm to thì phải xài hàng hiệu, check-in bằng Iphone 12 thì nó mới chuẩn.
4.3. Cảm giác tội lỗi
“Sẽ thật có lỗi với ai đó khi không sử dụng sản phẩm này”. Để làm được điều này, content phải chạm tới và khơi dậy những cảm xúc sâu thẳm trong lòng khách hàng, lấy đi những giọt nước mắt chân thành.
Ví dụ:
Quảng cáo “Có vị nào hơn Vị Tết Nhà” của Knorr X Ca sĩ Trúc Nhân. Về để thưởng thức “vị Tết nhà” là câu chuyện được nhiều nhãn hàng sử dụng, nhưng nói thế nào cho người ta thực sự thèm khát, thấy nhớ là cái hay mà Knorr làm được. Với nội dung xoay quanh những món ăn của mẹ, Knorr khơi lại trong ta ký ức về hương vị thân quan, cũng là hương vị yêu thương và hạnh phúc nơi mái ấm gia đình. – nắm bắt đúng tâm lý của người dân Việt Nam: trọng tình cảm, gắn bó, sum vầy. Knorr dùng yếu tố tình cảm, yếu tố đóng vai trò quan trọng thứ 3 trong tháp nhu cầu của Maslow để chạm đến cảm xúc của khán giả trên khắp cả nước.
4.4. Lòng tham
Mỗi con người cũng đều tồn tại lòng tham bên trong mình, thậm chí có những lòng tham vô đáy. Vì vậy, nếu content có thể khơi dậy được lòng tham của khách hàng thì việc khiến họ mua sản phẩm của bạn chỉ trong tầm tay. Trong bán hàng thì những chương trình khuyến mãi, giảm giá, lợi ích đi kèm dịch vụ… cho họ nghĩ họ mua được lời khi mua, hoặc giá trị món hàng này sẽ tăng giá trong tương lai.
Ví dụ:
Chuỗi lẩu băng chuyền Kichi – Kichi thường tung ra các chương trình ưu đãi, như: Đi 4 tặng 1 trong khung giờ vàng, hay chương trình khuyến mãi coca khi sử dụng suất ăn combo. Khi đứng trước những món hời như vậy sẽ chẳng ai lại bỏ nó đi cả.
4.5. Yêu thương
Cảm xúc yêu thương cũng giống những cảm xúc sợ hãi, chúng đều vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy, bạn có thể thấy các chủ đề về tình yêu luôn được người xem quan tâm rất nhiều, hầu như ở tất cả mọi giới tính, độ tuổi.
Để đánh vào cảm xúc yêu thương của khách hàng, người đọc thì điều mà người viết content cần làm được là:
- Họ yêu thích sản phẩm của bạn
- Họ tìm thấy được tình yêu trong sản phẩm của bạn
- Họ dùng sản phẩm của bạn để thể hiện tình cảm yêu thương
Ví dụ:
Coca-Cola đã đổi slogan từ “Open Happiness” thành “Taste the Feeling – Uống cùng cảm xúc”, với những bài hát với giai điệu vui vẻ, phù hợp với ngữ cảnh từng quốc gia khác nhau. Kèm theo đó là những đoạn quảng cáo dưới dạng những câu chuyện bình dị, gần gũi, yêu thương khi mọi người cùng chia sẻ và thưởng thức Coca-Cola.
Phát minh vĩ đại nhất của loài người chính là ngôn ngữ. Cho dù bạn là ai, là một cây bút vĩ đại, hay chỉ là một cậu bé “lon ton bước vào ngành” bạn vẫn có thể viết được content. Và hãy chạm đến trái tim của độc giả bằng ngọn lửa của sự đam mê trong bạn. Như H.Jackson Brown, Jr. đã nói: “Đừng trì hoãn mỗi khi bạn có một ý tưởng hay. Vì nhiều khả năng là ai đó cũng có ý tưởng hay giống bạn. Thành Công sẽ thuộc về nào hành động trước và trở thành nhà tiên phong”. “Content is King” – nó vẫn đúng ở mọi thời đại.